Thành phố Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn cao điểm mùa mưa, kết hợp với những đợt triều cường lớn gây nên tình trạng ngập úng trên diện rộng, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Dự báo tình hình sẽ càng nghiêm trọng hơn vào cuối năm nay, trong khi các công trình, dự án chống ngập vẫn chưa được triển khai quyết liệt.
Nhiều ngày qua, tình hình ngập nước tại thành phố diễn biến nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Cứ sau mỗi trận mưa lớn, thành phố lại biến thành "một vũng nước lớn", nhiều tuyến đường thuộc các quận, huyện như: quận 6, 8, 11, Tân Phú, Bình Tân... ngập đến cả mét nước, xe cộ lưu thông khó khăn; nhiều nhà cứ mưa là ngập như điệp khúc nhiều năm qua…
Tình trạng ngập nước trên các tuyến đường ở TPHCM mỗi khi mưa to |
Và điều đáng buồn là ngay cả những tuyến đường mới hoàn thành cũng không thoát khỏi cảnh ngập chìm trong nước. Thế nên, người dân thành phố không thể không bức xúc bởi dường như càng chống ngập thì càng ngập sâu và có thêm cả những điểm ngập mới.
Để đối phó với tình trạng này, thành phố đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện các dự án chống ngập do mưa và triều cường. Thực tế, việc đầu tư này cũng đã đạt được một số kết quả nhất định, trong đó nhiều khu vực ngập nặng đã hết ngập hoặc giảm ngập như khu vực đường Cô Bắc - Cô Giang, (quận 1), khu vực trước Nhà hát Hòa Bình (quận 10), khu vực bùng binh Cây Gõ (quận 6)...
Theo thống kê, toàn thành phố hiện có khoảng 20% số điểm ngập ở khu vực nội thành được xóa nhờ các dự án chống ngập cho lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm cùng một số dự án chống ngập nhỏ, lẻ khác. Tuy nhiên, hạn chế của chính những công trình chống ngập đó chính là khi điểm ngập này được giải quyết thì lại phát sinh điểm ngập khác, nhất là ở khu vực ngoại thành.
Theo giải thích của các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng trên là việc lấn chiếm nghiêm trọng sông, kênh, rạch; việc xây dựng nhà cửa, tạo ra những con đường như những con đê ngăn nước như đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thị Thập… Các dự án chống ngập, dù đã được triển khai, song hầu hết chưa đáp ứng được yêu cầu hoặc bị chậm tiến độ. Rồi việc tính toán sai mức độ dâng của nước, độ lún của nền địa chất… cũng là nguyên nhân.
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Chúng ta đã tiếp tục lấp kênh rạch, biến kênh rạch thành nhà, thành đường; đổ xuống kênh rạch bao nhiêu đất thì sẽ có bấy nhiêu nước trào lên, dẫn đến ngập. Rồi hệ thống cống chưa đồng bộ, chưa điều khiển được nó. Hệ thống cống chỉ là nối dài, chưa mở ra khẩu độ lớn để thoát nước nhanh".
Theo Phó giáo sư- Tiến sỹ Hồ Long Phi, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Viện Nước và Biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, nếu nói tình hình ngập năm sau nhiều hơn năm trước là cũng chưa chính xác bởi so với mốc nặng nhất vào năm 2008 tình hình có đỡ hơn.
Nhưng đúng là tình hình 2 - 3 năm gần đây có gia tăng bởi một số dự án chưa hoàn chỉnh như Tân Hóa – Lò Gốm, một số dự án chống ngập hoàn thành nhưng đã tái ngập bởi diễn biến bất thường của thời tiết. Ngày xưa, những trận mưa với lượng mưa khoảng 100mm 5 năm mới xuất hiện một lần, nhưng từ đầu năm tới nay đã xuất hiện 2 lần, đỉnh triều cũng đã lên tới mức kỷ lục 1,7m.
Về câu hỏi là bao giờ hết ngập, ông Hồ Long Phi khẳng định không thể nào hết ngập được, bởi không bao giờ lường trước được thiên tai. Nhưng nhiệm vụ của Nhà nước là phải làm hệ thống công trình chống ngập để đảm bảo chống ngập được 90%, còn lại chúng ta phải thích nghi với những sự bất thường. Bài học trận lũ Bangkok (Thái Lan) là một ví dụ về sự bất thường của thiên tai, khi các công trình của Bangkok đảm bảo chống ngập trong 50 năm, nhưng vẫn dính trận ngập lịch sử gây thiệt hại nặng nề.
Theo ông Hồ Long Phi, việc thành phố vẫn đang loay hoay chống ngập không phải là việc thiếu tiền, thiếu kĩ thuật mà do những lỗi phi kỹ thuật như chưa giải quyết khâu đền bù giải tỏa, rồi những qui định hiện nay đã không còn hợp lý, không theo kịp được những thay đổi…
Dẫn chứng là các dự án chống ngập hiện nay mới chỉ thiết kế để chịu được mức triều cường tối đa là 1,32m, trong khi triều cường tại thành phố thường xuyên ở mức cao, đỉnh điểm lên tới 1m7. Như thế, các dự án chống ngập cho các lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm... đang được triển khai thực hiện đã rơi vào lạc hậu. Vì thế, thành phố cần tăng cường đầu tư, giải quyết những vướng mắc kịp thời để nhanh chóng triển khai các công trình chống ngập.
Ông Hồ Long Phi kiến nghị: "Những qui định hiện nay của Nhà nước áp dụng cho việc chống ngập đã lạc hậu, phải có kiến nghị sửa chữa, chứ nếu chúng ta cứ tuân thủ răm rắp qui phạm thì ta sẽ trả giá, mà bằng chứng là ta đã trả giá rồi; thi công đúng với qui phạm, nghiệm thu đầy đủ nhưng cuối cùng đâu có chống được ngập vì qui định, qui chuẩn đó lạc hậu quá rồi".
Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai tuyến đê bao khép kín trên sông Sài Gòn theo Quyết định 1547 của Thủ tướng Chính phủ với nhiều cống lớn nhỏ, thông cống nghẹt trên nhiều tuyến đường, hạn chế khép kín không cho triều cường xâm nhập vào nội thị. Tuy nhiên, đây là một dự án lớn còn lâu mới hoàn thành nên trước mắt, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp tạm thời như xây tường kè tạm, lắp van ngăn triều, túc trực 24/24 giờ tại các cửa xả, nắp hố ga để khai thông các vị trí bị rác lấp, dùng hàng chục máy bơm hoạt động hết công suất nhằm tiêu thoát nước mỗi khi mưa lớn.
Những giải pháp vừa nêu đã phát huy hiệu quả khi năm 2008, thành phố có đến gần 100 điểm ngặp nặng đã giảm xuống còn 50 điểm; đến thời điểm này - năm 2014 - có 11 điểm ngập hiện hữu, 10 điểm ngập do ảnh hưởng của công trình Tân Hóa- Lò Gốm và 29 điểm ngập do mưa vượt tần suất thiết kế cống.
Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố đề xuất: "Giải pháp thứ nhất là nâng cao chất lượng trong qui hoạch và hiệu quả quản lý qui hoạch xây dựng, nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp giảm ngập nước và từng bước giảm ngập trên địa bàn; tăng cường liên kết hợp tác khoa học, liên kết với các nhà khoa học trên thế giới, dự báo, dự đoán tình hình biến đổi khí hậu để chúng ta có kế hoạch ứng phó phù hợp".
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đề xuất có giải pháp khác kết hợp với các công trình chống ngập chính là xây dựng các hồ điều tiết, tổ chức nạo vét, khơi thông kênh rạch đã bị san lấp bởi con người, dự kiến thành phố sẽ có khoảng 30 hồ điều tiết nước trên địa bàn. Khi xây các công trình chống ngập, cần tính toán, dự đoán được các biến đổi của thiên nhiên, kết hợp các giải pháp giữa công trình và giải pháp mềm.
Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình ngập nước sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn, bởi sẽ xuất hiện nhiều đợt triều cường lớn kết hợp với mưa. Vì thế, thành phố Hồ Chí Minh cần chủ động triển khai các giải pháp trước mắt và lâu dài để ngập nước, triều cường không là nỗi ám ảnh của mỗi người dân thành phố