Xe rút hầm cầu ngại đi xa, tốn xăng nên mỗi ngày có khoảng 300m3 phân hầm cầu bị đổ bậy ra môi trường trước sự bất lực của Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM.

Thải chất độc ra môi trường
Thải chất độc ra môi trường

Ngày 17/7, làm việc với Ban Kinh tế và Ngân sách (HĐND TP.HCM), ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Hòa Bình cho biết, trước đây, khi còn hoạt động ở quận Bình Tân, mỗi ngày có khoảng 100 xe vào đổ chất thải hầm cầu (mỗi ngày TP.HCM có khoảng 400m3 chất thải hầm cầu cần được xử lý). Nhưng từ khi chuyển về Đa Phước, huyện Bình Chánh đến nay, công ty của ông chỉ tiếp nhận khoảng 30 xe/ngày, thậm chí trong tháng 6 chỉ có 28 xe/ngày.

Phân hầm cầu đi về đâu?

Từ thực tế đó, ông Dũng "nghi ngờ" hằng ngày trên địa bàn TP.HCM có khoảng 70 xe rút hầm cầu đem đi đổ bậy (các hố ga, cầu cống hoặc chôn vùi…), với số lượng phân lên đến khoảng hơn 300 m3/ngày. Ông Dũng đề xuất, để quản lý hữu hiệu thì cần bấm niêm chì (có mã số) tại nắp xả hầm cầu của xe. Theo đó, xe nào tự ý bứt niêm chì bị coi là đã đổ bậy và bị phạt nặng. 

Nghi ngờ của ông Dũng được cho là có cơ sở, bởi mới đây, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM đã bắt quả tang nhiều trường hợp xe đổ chất thải hầm cầu xuống cống ở Thủ Đức, Gò vấp… Ngoài ra, kết quả khảo sát của Công ty Thoát nước TP.HCM cũng cho biết, hàng loạt các hầm ga ở quận 4, quận 11, 12… có nhiều phân sống.

Chưa hết, kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM cho hay, chất lượng nước kênh, rạch nội thành đang bị ô nhiễm trầm trọng, mà nguyên nhân được đánh giá là từ lượng phân hầm cầu đổ bậy gây ra.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Phó ban Kinh tế và Ngân sách - người phản ứng khá gay gắt ngay trong nghị trường của kỳ họp HĐND lần thứ 13, khóa XII vừa qua trước thực trạng xe rút hầm cầu đổ bậy. Tại buổi giám sát, vừa đặt chân đến nhà máy xử lý chất thải, ông Nghĩa đã đến ngay hầm xả phân của các xe và các hồ xử lý để tìm hiểu và đánh giá hoạt động của nhà máy.

Theo ông Nghĩa, Đa Phước trong tương lai vẫn chưa đủ công suất để xử lý phân hầm cầu của thành phố. Do vậy, thành phố cần có biện pháp tức thời để xử lý ngay việc xe rút hầm cầu đổ bậy chất thải. Ông Nghĩa cho rằng, giải pháp dùng niêm chì để quản lý xe rút hầm cầu mà Hòa Bình đưa ra cũng chưa phải là tối ưu. Bởi, tự Hòa Bình vừa thực hiện niêm chì rồi đưa ra biện pháp xử phạt đối với những xe vi phạm là không hợp lý.

"Trước mắt, Sở nên tiếp quản công việc quản lý những đơn vị, cá nhân kinh doanh dịch vụ rút hầm cầu. Thời gian qua, quận huyện quản lý lĩnh vực này quá lỏng lẻo. Trong khi, nếu cứ để xe đổ không đúng nới quy định mà có dịch bệnh xảy ra thì hậu quả sẽ rất khó lường. Ngoài ra, Nhà nước nên quy hoạch thêm vài nhà máy xử lý chất thải khác để giảm cung đường vận chuyển cho các chủ xe" - ông Nghĩa có ý kiến. 

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách cho rằng, Sở Tài nguyên - Môi trường phải điều tra, khảo sát cho số liệu cụ thể chứ không thể nói không biết có bao nhiêu xe đổ chất thải vào môi trường. "Trước đây, không có nơi đổ thì không nói, giờ có nhà máy (nơi đổ) thì chẳng chịu đổ, vi phạm quá rõ ràng nhưng xử phạt thì rất hiếm", ông Hoàng bức xúc.

Đổ chỗ nào "hợp vệ sinh" là được?!

Ông Dũng nói có khoảng trên 300m3 phân/ngày đổ bậy, nhưng ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM thì không nghĩ thế. Theo ông Phước, thành phố cũng đã ban hành Quyết định 73 về "Quản lý dịch vụ thu gom vận chuyển, xử lý phân hầm cầu và bùn nạo vét", tất cả cơ quan liên quan phải tuân theo.

Tuy nhiên, thời gian qua, quá trình phối hợp, quản lý theo dõi chưa tốt, đặc biệt là cấp quản lý từ thành phố xuống quận, huyện, phường, xã. Do đó, xảy ra chuyện xe vận chuyển phân hầm cầu đổ bậy.

Ông Dũng cho biết, Sở đã chấn chỉnh bằng cách đăng ký dịch vụ thu gom phân hầm cầu tại các quận, huyện; tăng cường đẩy mạnh công tác theo dõi, kiểm tra giám sát lộ trình cũng như tổ chức thu gom. Cụ thể, Sở TN-MT phối hợp với cảnh sát môi trường, cảnh sát được giao làm nhiệm vụ ở các quận, huyện và phường, xã. 

Về số phân đổ bậy, ông Phước khẳng định, "số phân hầm cầu của thành phố chỉ biến động trong khoảng 200–250 m3/ngày. Tuy nhiên, khi đổ về nhà máy xử lý thì con số đó không tới, chắc chắn có thất thoát ra ngoài. Quyết định 73 của UBND TP.HCM cho rằng, ngoài việc đổ tại Đa Phước (nhà máy xử lý chất thải rắn duy nhất của TP.HCM) thì được đổ tại một nơi nào đó mà xử lý hợp vệ sinh (có thể chôn...), chứ không phải nói không đổ ở Đa Phước thì đổ vào môi trường là không đúng. Sở cũng thấy được việc phối hợp này chưa tốt rồi, vấn đề là làm sao để phân hầm cầu đừng đổ vào kênh rạch, cống…"!

Nói như ông Phước thì hằng ngày thành phố có khoảng vài chục xe chở chất thải hầm cầu đi chôn hoặc đổ vào những nơi mà ông cho là "hợp vệ sinh". Nhưng đổ ở đâu, chôn ở đâu và chôn như thế nào cho "hợp vệ sinh" thì ông Phước không biết.

Tính toán của một vài đại biểu cho rằng, nếu phải chôn, hoặc xử lý theo cách nói của ông Phước thì chi phí có thể cao hơn chở đến Đa Phước để đổ. Bởi vậy, việc hằng ngày có khoảng 70 xe chở phân hầm cầu đổ bậy là điều khá thực tế.

Dù thuộc lĩnh vực mình quản lý, nhưng hiện Sở TNMT cũng không nắm được số xe rút hầm cầu ở thành phố là bao nhiêu. Vì vậy, ông Nguyễn Minh Hoàng đề nghị Sở phải nhanh chóng mở cuộc điều tra, khảo sát về vấn đề này nhằm tìm giải pháp hữu hiệu trình HĐND.

Được biết, tháng 9/2008, sẽ có một hội nghị chuyên đề do thành phố tổ chức nhằm bàn về vấn đề môi trường như các đại biểu HĐND đã đề cập trong kỳ họp vừa qua.

Ngày 31/12/2006, Công ty xử lý chất thải Hòa Bình (đơn vị duy nhất trên địa bàn TP.HCM tiếp nhận, xử lý chất thải hầm cầu) ở quận Bình Tân đóng cửa để di dời, xây dựng nhà máy mới trong khu liên hợp xử lý rác - chất thải Đa Phước (Bình Chánh).

Ngày 7/3/2008, nhà máy xử lý chất thải với công suất 500 m3/ngày đêm theo phương pháp sinh học của Công ty xử lý chất thải Hòa Bình đi vào hoạt động, nhưng chỉ có khoảng gần 100m3 chất thải hầm cầu được chuyển về đây xử lý mỗi ngày, 70% chất thải hầm cầu trên địa bàn TP.HCM còn lại không biết đi về đâu.

Ông Lê Tiến Dũng Giám đốc Công ty Hòa Bình cho biết, mặc dù công ty chỉ thu phí xử lý chất thải bằng 1/2 chi phí vận hành nhà máy (chưa kể lãi vay) để khuyến khích các lái xe chở phân hầm cầu đến đúng nơi, xử lý hợp vệ sinh môi trường nhưng đổi lại, lượng xe về vẫn không tăng.