Những trận mưa lớn nửa đầu tháng 8 gần như "vô hiệu hóa" toàn bộ hệ thống thoát nước tại TP.HCM. Nhiều nơi, đường sá biến thành sông.

Nếu 10 năm về trước, những trận mưa có lượng mưa trên 90mm khá hiếm hoi thì thời gian gần đây, lượng mưa tăng trên 100mm, thậm chí 160mm như trận mưa vào ngày 1/8/2008 vừa rồi không còn là chuyện lạ. Đường sá biến thành sông, nhất là những "rốn lũ" như đường Đinh Tiên Hoàng, Phan Đình Phùng, 3 tháng 2, Minh Phụng, Lê Quang Sang, Nguyễn Thị Nhỏ... 

Thong cong nghet tren cac he thong cong o tphcm
Thong cong nghet tren cac he thong cong o tphcm

Theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, toàn thành phố có 100 điểm ngập phân bổ ở bốn khu vực chính là khu vực bùng binh Cây Gõ - Tân Hòa Đông - Bà Hom (thuộc lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm, Q.6), quận Bình Thạnh, ngã tư Bốn Xã và khu vực kênh Ba Bò (quận Thủ Đức). 

Mặc dù, Sở GTVT đã nỗ lực thực hiện các dự án thoát nước có quy mô nhỏ nhằm giảm thiểu tình trạng ngập úng cục bộ tại một số điểm "ngập nặng", thế nhưng do việc triển khai thiếu đồng bộ nên đã không giúp TP.HCM giảm ngập sau những cơn mưa lớn hoặc thời điểm triều cường trùng với mưa lớn. Các điểm ngập không mất đi mà chuyển từ vùng này sang vùng khác, nhất là tại các quận đang trong quá trình đô thị hóa như Q.2, 7, 9, 12, Thủ Đức và quận Bình Tân. Lý do được các nhà quản lý đô thị chỉ ra là chưa có hệ thống đấu nối giữa khu vực dân cư mới và hệ thống cống thoát nước chung của thành phố. 

Một chuyên gia về thoát nước Sở GTVT cho biết, tổng lượng mưa trung bình tại TP.HCM vào khoảng 1.930mm, trong đó khoảng 1.790mm tập trung vào thời gian từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm. Những năm gần đây, tổng lượng mưa không tăng nhưng số trận mưa có vũ lượng lớn (trên 60mm) xuất hiện nhiều hơn. Trong khi đó, hệ thống thoát nước tại thành phố chủ yếu là cống vòm cũ đã "già cỗi",  tiết diện cống nhỏ không thể lưu chuyển lượng nước quá lớn. 

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, toàn thành phố có khoảng 500.000m cống bằng gạch xây bê tông và một số đoạn được xây dựng bằng thép với kích thước phổ biến từ 100mm- 2200mm trên tuyến đường phố chính. 

Mặc dù hệ thống cống thoát nước tại TP.HCM thuộc loại "bô lão" nhưng kinh phí sửa chữa dành ra cho công tác này chiếm chưa đến 0,5% trị giá tài sản cố định của hệ thống cống. "Trong 12 năm qua, chỉ sửa chữa lớn được 18.000m cống (gần bằng 4% số cống đang có) và xây mới thêm 38,6m cống" - ông Nguyễn Đình Đầu cho biết. 

Do hệ thống cống cũ đã hư mục, sụp lở và phát triển theo kiểu "tự ai nấy làm" nên hầu như toàn bộ hệ thống cống tại thành phố nằm dưới mực nước thủy triều lên cao từ 0,5-2,3m.

Hệ thống cống mới: Chờ!

Theo thạc sĩ Trương Văn Hiếu, Phân viện Khí tượng Thủy văn và Môi trường phía Nam, hiện tượng ấm dần lên của khí hậu toàn cầu làm mực nước biển dâng cao sẽ khiến cho "sứ mệnh" chống ngập tại TP.HCM càng khó khăn. 

Ngoài ra, PGS-TS Lê Văn Trung, Trung tâm Địa Tin học, Khu Công nghệ phần mềm (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, tình hình khai thác sử dụng nước ngầm tại TP.HCM hiện nay đã vượt mức 600.000m3/ngày, trong khi lượng nước bổ cập dưới 200.000m3/ngày, dẫn đến tình trạng mực nước dưới đất của các tầng chứa nước ngày càng bị hạ thấp.   

Theo PGS-TS Trung, việc giảm mực nước ở các tầng khai thác, cùng với việc các công trình xây dựng phát triển ngày càng nhanh đã gây nên hiện tượng lún đất tại nhiều nơi trong khu vực TP.HCM. Hiện tượng biến dạng này thể hiện qua việc miệng đất xung quanh các giếng khoan bị hạ thấp làm trồi ống chống giếng khoan tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố như: Q.6, 11, 12, Bình Tân và huyện Bình Chánh.

Để chống ngập úng cho TP.HCM, nhiều dự án sử dụng nguồn vốn ODA và hàng chục dự án có quy mô nhỏ hơn đang được triển khai nhằm thay thế, mở rộng, cải tạo cống cấp 2, cấp 3 và lắp đặt mới cống cấp 4.  

Cụ thể, để giải quyết tình trạng ngập nghẹt trên lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè có diện tích trên 3.000ha, UBND TP.HCM đang triển khai hạng mục thoát nước mưa thuộc dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nhiệm vụ chính là xây dựng mới 62km cống cấp 2; 30km cống cấp 3 và 250km cống cấp 4. Ngoài ra, còn có tiểu dự án Cải tạo hệ thống thoát nước rạch Hàng Bàng (thuộc dự án Cải thiện môi trường nước) xây mới 15,3km cống cấp 2-3 trên lưu vực rộng lớn có diện tích 438ha... 

Ở những dự án nói trên, tiết diện cống xây mới đều được thiết kế lớn hơn tiết diện hệ thống cống hiện trạng từ 3-5 lần. Thực tế đáng thất vọng là tiến độ xây dựng các dự án quá chậm so với mục tiêu đề ra.  

Trao đổi với PV Báo, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM nói, quy chuẩn về xây dựng hệ thống thoát nước trong đô thị do Bộ Xây dựng ban hành cách đây nhiều năm, nay đã lạc hậu so với mực nước ngập lụt tại TP.HCM.  

Ông Phượng cho biết, theo quy chuẩn hiện hành, hệ thống cống thoát nước tại thành phố chỉ có thể "chịu đựng" những trận mưa có vũ lượng dưới 90mm. Do vậy, đối với những trận mưa lớn hơn, việc ngập nặng toàn thành phố là chuyện đương nhiên. 

Thế nhưng, theo thống kê của các nhà khoa học, gần đây, những trận mưa có vũ lượng trên 100mm, thậm chí từ 120-160mm xuất hiện nhiều lần trong khu vực đô thị.  

Ông Phượng nói, sẽ đề nghị Bộ Xây dựng tăng quy chuẩn tiết diện hệ thống cống thoát nước sao cho có thể đáp ứng những trận mưa có vũ lượng trên 90mm. 

Tuy nhiên, ông Phượng còn băn khoăn: Khi đưa ra thiết kế cho hệ thống thoát nước đô thị, cũng cần chọn quy chuẩn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội. "Có những trận mưa 100 năm mới xuất hiện một lần thì phải chấp nhận, vì nếu thiết kế hệ thống thoát nước tốn kém có khả năng chịu đựng trận mưa lớn chỉ để dùng một lần còn 99 năm không dùng tới thì thật lãng phí".