Thực hiện Chỉ thị 36/CT-TW của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Bộ xây dựng đã triển khai thực hiện kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm và BVMT tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong ngành.
Chủ trương của Bộ xây dựng là đặc biệt chú trọng tới các biện pháp xử lý chất thải gây ô nhiễm (ví dụ như khói thải của các nhà máy gạch tuynen, các lò gạch tư nhân; nước thải của nhà máy khoá, nhà máy tấm lợp; bụi thải của nhà máy xi măng sản xuất theo công nghệ lò đứng; bụi thải có chứa amiăng của nhà máy tấm lợp và chất thải rắn của các cơ sở sản xuất...) và đầu tư trang thiết bị công nghệ thích hợp để đảm bảo có một môi trường trong sạch ngay trong khu vực sản xuất và không gây ô nhiễm đối với các khu vực xung quanh.
Trên những quan điểm đó và từ đặc điểm của các lĩnh vực sản xuất, ngành xây dựng đã đề ra một số các giải pháp công nghệ nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất điển hình của ngành:
1. Tại các nhà máy xi măng.
Ô nhiễm môi trường chủ yếu phát sinh từ các nhà máy sản xuất xi măng theo công nghệ lò đứng và công nghệ lò quay phương pháp ướt không có hệ thống điều khiển tự động, từ nhiều nhà máy không có hệ thống xử lý chất thải hoặc hệ thống đã cũ, hỏng, không hoạt động. Các nhà máy xi măng lò quay công nghệ khô có trang bị hệ thống xử lý chất thải, vì vậy ít gây ô nhiễm môi trường, công tác BVMT ở đây chủ yếu là kiểm soát kỹ các khâu vận chuyển nguyên vật liệu và vệ sinh trong khu vực sản xuất.
Phế thải trong dây chuyền sản xuất xi măng bao gồm xỉ than, nước thải, bụi. Xỉ than của lò đốt không gây độc hại, có thể được sử dụng làm chất phụ gia. Nước thải chủ yếu là nước được sử dụng cho công đoạn làm mát máy nên không chứa các chất độc hại gây ô nhiễm môi trường.
Ô nhiễm chủ yếu trong quá trình sản xuất xi măng là ô nhiễm bụi, vì vậy tại tất cả các điểm phát sinh bụi đều cần phải có hệ thống xử lý thích hợp. Tuỳ theo nồng độ mà sử dụng hệ thống lọc bụi 2 cấp (cấp 1 là xyclon, cấp 2 là lọc bụi tĩnh điện) hoặc hệ thống lọc bụi 1 cấp dùng loại lọc bụi kiểu túi có hệ thống hoàn nguyên túi lọc bằng rung rũ. Các điểm phát bụi tại các công đoạn vận chuyển, đóng bao và xuất hàng được trang bị lọc bụi tay áo. Máy nghiền được thiết kế lắp đặt lọc bụi tĩnh điện.
Đối với các nhà máy xi măng phải tiến hành đầu tư trang bị các thiết bị lọc bụi tiến tiến, ứng dụng các công nghệ giảm thiểu SOx và NOx thải ra môi trường hoặc thực hiện đổi mới công nghệ sản xuất. Vấn đề tiết kiệm năng lượng đã được quan tâm và đã có nhiều biện pháp tích cực để chuyển giao các công nghệ tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu CO2 chống ô nhiễm môi trường. Chẳng hạn như dự án mẫu về tiết kiệm năng lượng, tận dụng nhiệt thừa từ lò nung klinker để chạy máy phát điện do tổ chức NEDO (Nhật Bản) tài trợ đang được thực hiện tại Nhà máy xi măng Hà Tiên II.
Đối với các nhà máy gây ô nhiễm nghiêm trọng nằm xen kẽ trong khu dân cư thì phải đình chỉ sản xuất hoặc di chuyển địa điểm.
2. Tại các nhà máy sản xuất gạch (gạch men, gạch ốp lát...) và các lò gạch tư nhân.
Chất thải rắn của nhà máy có số lượng không lớn, chủ yếu là các sản phẩm bền hoá học, không bị phân huỷ hoặc tạo ra mùi khó chịu, có thể tái sử dụng nên về mặt môi trường các chất thải này không phải là điều đáng quan tâm. Thành phần nước thải của nhà máy bao gồm các tạp chất vô cơ không tan, cũng chứa một số chất hữu cơ lơ lửng và hoà tan, một số vi trùng gây bệnh.
Khí thải chủ yếu sinh ra do đốt dầu FO, DO khi sấy, nung gạch với khói có chứa các chất ô nhiễm như oxit lưu huỳnh, oxit nitơ, oxit cacbon, hydrocacbon, aldehyt và khí HF sinh ra do phân huỷ đất sét. Bụi thải chủ yếu phát sinh trong các công đoạn vận chuyển nguyên liệu, nghiền, sấy phun, tráng men, lò nung rolic và chủ yếu là bụi than, các hạt bụi vô cơ (đất đá), bụi silic có kích thước rất nhỏ. Nguồn ô nhiễm chủ yếu là bụi từ xyclon lọc bụi của nhà máy.
Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, tại các nhà máy sử dụng biện pháp phát tán qua ống khói; lắp đặt hệ thống xử lý khói thải từ lò nung, lò sấy (cho khói thải đi qua thiết bị lọc ướt dạng đĩa hoặc dạng đệm...) để giảm nồng độ các chất ô nhiễm trước khi phát tán vào khí quyển; trang bị hệ thống hút bụi, thiết bị tách bụi xyclon hoặc buồng lắng, thiết bị lọc bụi túi vải, ống tay áo... ở các công đoạn: Sấy phun, cân đong phối liệu, ép và sấy phun, tráng men và lò nung rolic. Sau khi đi qua các thiết bị xử lý, phần lớn bụi và một phần khí độc hại được tách ra khỏi khí thải, khí thải lại tiếp tục được làm sạch bằng hệ thống lọc bụi 2 cấp mà cấp lọc thứ 2 là lọc túi vải. Như vậy khả năng thu hồi bụi thải có thể đạt tới 98%, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tại khu vực làm việc của công nhân bố trí các hệ thống hút bụi cục bộ để hút và lọc bụi.
Đối với các lò gạch tư nhân sản xuất theo công nghệ lò đứng, không có hệ thống xử lý khí thải hoặc hệ thống xử lý đã cũ, hỏng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ đình chỉ những cơ sở gây ô nhiễm quá nặng, qui hoạch lại - xây dựng hệ thống lò nung tuynen có trang bị hệ thống xử lý chất thải (trong khi chờ qui hoạch, các lò gạch thay phiên nhau hoạt động hoặc chuyển đổi sản xuất).
3. Tại nhà máy sản xuất tấm lợp amiăng.
Hội nghị quốc tế chuyên đề về việc sử dụng amiăng ở Montreal (Canada) tháng 7/1997 đã khẳng định sợi amiăng loại crysotyl để sản xuất tấm lợp là vô hại đối với con người khi tiếp xúc qua đường tiêu hoá hay trực tiếp với da và chỉ ảnh hưởng đến đường hô hấp giống như các loại bụi vô cơ khác (giống như bụi silic không tự phân huỷ trong phổi mà được tích tụ lại gây bệnh bụi phổi). Vấn đề chính được đặt ra cho các nhà máy sản xuất tấm lợp là phải kiểm soát được lượng bụi có chứa các sợi amiăng, vì vậy phải kiểm soát triệt để ở khâu pha trộn để bụi không phát sinh hoặc khuyếch tán ra môi trường xung quanh, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, ngăn ngừa các bệnh nghề nghiệp.
Công nghệ sản xuất tấm lợp sử dụng phương pháp xeo nên quá trình sản xuất cần dùng rất nhiều nước, vì vậy việc kiểm soát nước thải phải được chú trọng. Nước thải sản xuất của nhà máy chủ yếu có hàm lượng kiềm và chất lơ lửng cao, các chất thải rắn có trong nước thải tạo cặn trắng dọc theo tuyến mương thải. Nước thải có chứa các sản phẩm của quá trình thuỷ hoá sợi amiăng và xi măng. Các chất lơ lửng trong nước chủ yếu là chất rắn vô cơ và môi trường kiềm do dung dịch hydroxyt canxi tạo ra.
Phương pháp được đề xuất để xử lý nước thải là dùng khói lò kết hợp sử dụng axit để làm giảm lượng kiềm trong nước thải, thiết kế xây dựng hệ thống sử dụng khí thải, xây dựng hệ thống bể lắng, xử lý lắng bổ sung bằng các chất keo tụ khi cần thiết nhằm đảm bảo nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn qui định đối với nước thải công nghiệp.
Tại dây chuyền sản xuất tấm xi măng amiăng được chưng hấp bằng hơi nước, khói của lò hơi dùng than antraxit chủ yếu chứa khí CO2, lượng SO2 và CO là không đáng kể. Lượng khí CO2 này sẽ phản ứng với hydroxyt canxi trong nước thải tạo thành cacbonat canxi kết tủa trắng. Các chất lơ lửng sẽ được lắng cơ học trong các bể lắng ngang (nếu lượng chất lơ lửng vẫn còn cao sẽ được xử lý tiếp bằng hoá chất keo tụ). Lượng kiềm sẽ được trung hoà bằng dung dịch axit sunfuaric. Sau đó nước thải được đưa vào xử lý lắng cơ học, tách cặn lỏng và thải ra ngoài theo mương thoát nước.
Các kho chứa nguyên vật liệu phải được trang bị hệ thống lọc bụi, quạt hút gió và được xây dựng ở những nơi cao ráo, thông thoáng. Một số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng có thể sẽ thay đổi loại hình sản xuất (ví dụ tại tỉnh Thái Nguyên).
4. Xưởng sản xuất vôi thủ công theo công nghệ lò đứng, xưởng khai thác đá.
Các cơ sở này nằm rải rác ở một số tỉnh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bởi khói, bụi. Trong tương lai cần phải di chuyển địa điểm và đổi mới công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại. Mặt khác cần chú trọng qui hoạch lại việc khai thác tài nguyên để đảm bảo môi trường sinh thái của khu vực.
5. Xưởng sản xuất bê tông.
Nguồn gây ô nhiễm chính là nước thải và bụi nhưng ở mức độ trung bình. Biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm là xây dựng bể lắng, gắn bộ lọc cyclon làm giảm bụi và khói.
6. Các cơ sở sản xuất cơ khí (sản xuất khoá, bi, đạn, tấm lót cho xi măng, vật tư thiết bị phục vụ xây dựng...).
Các cơ sở này ít gây ô nhiễm môi trường. Nguồn phát sinh ô nhiễm chủ yếu là nhiệt thừa, tiếng ồn và nước thải, khí thải từ các phân xưởng mạ. Riêng đối với Nhà máy khoá Minh Khai đến nay đã đầu tư cải tạo hệ thống xử lý nước thải và đang đầu tư kinh phí cho xử lý khí thải.
Trong quá trình mạ, một lượng lớn chất độc hại và hoá chất sử dụng được xả vào môi trường nước và không khí. Các chất độc hại như Cr+6 có tác động xấu tới sức khỏe con người như gây ra bệnh ung thư, viêm loét dạ dày, Ni tác động đến đường hô hấp, muối kẽm gây ra các cơn co giật. Kim loại trong nước thải chưa được xử lý sẽ thấm sâu vào đất gây ô nhiễm nước ngầm. Nước thải có chứa axit dùng trong quá trình tẩy gỉ gây nên ăn mòn bê tông và kim loại của hệ thống thoát nước, gây phân huỷ xà phòng có trong nước thải, tạo váng làm cản trở quá trình thoát nước và hoà tan oxy trong nước thải.
Xử lý nước thải của Nhà máy khóa Minh Khai được tiến hành theo phương pháp trao đổi ion, tiến hành phân ly nước thải có chứa các kim loại crôm, niken từ phân xưởng cơ khí. Đối với nước thải có chứa axit và kiềm thì được thu gom vào bể điều hoà. Nước thải có chứa crôm được xử lý bằng dung dịch sunfat sắt 2, nước thải có chứa niken được xử lý bằng dung dịch hydroxyt canxi, tách cặn lắng và chuyển tới nơi qui định.
Chất thải rắn chủ yếu là phoi tiện, phoi gang và vụn sắt nhưng số lượng không lớn và được thu gom, vận chuyển đến bãi chôn lấp.
Theo moi truong